GIỚI THIỆU CHUNG

Cam Hải Tây được tách ra một phần thành lập thị trấn Cam Đức và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Xã Cam Hải Tây thành lập gần 30 năm (1986), nhưng đây là vùng đất thuộc tổng Thủy Triều xưa, có truyền thống lịch sử lâu đời trên 350 năm, kể khi Cai cơ Hùng Lộc hầu vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần mở rộng cương giới Đại Việt từ Phú Yên đến sông Phan Rang, lập nên hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (1653).
Với tinh thần cần cù trong lao động và lòng yêu nước nồng nàn, người dân sống trên vùng đất của Cam Hải Tây, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã yêu thương, đoàn kết, đùm bọc nhau và cùng khai phá, chinh phục thiên nhiên, xây làng dựng xóm, cũng như không tiếc máu xương vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cam Hải Tây đã vượt qua khó khăn, tiếp tục viết nên những trang sử mới, góp phần vào sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Chặng đường đấu tranh giải phóng và xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân xã Cam Hải Tây là những bài ca sẽ tồn tại và vang vọng mãi mãi, giúp cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tăng thêm lòng tự hào và nâng cao niềm tin để bước tiếp trên những chặng đường tiếp theo.
1. Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Xã Cam Hải Tây có tổng diện tích tự nhiên là 1.191,76 ha, thuộc huyện Cam Lâm (trước 2007 là thị xã Cam Ranh), tỉnh Khánh Hòa. Phía Đông của xã giáp đầm Thủy Triều xã Cam Hải Đông phía Tây giáp xã Cam Hiệp Bắc; phía Nam giáp thị trấn Cam Đức và phía Bắc giáp xã Cam Hòa. Xã hiện có 3 thôn là Bãi Giếng 2, Bắc Vĩnh và Tân Hải. Dân số của xã tính đến đầu năm 2010 có 5.277 người.
Khí hậu ở Cam Hải Tây chia làm hai mùa nhưng nằm trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa. Nhiệt độ giữa hai mùa không chênh lệch lớn. Mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình từ 280C–370C, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 1, nhiệt độ trung bình từ 240C–310C.
Diện tích đất trồng lúa ở Cam Hải Tây 27 ha đất trồng các loại cây lương thực và trồng cây ăn quả. Cam Hải Tây nằm ngay trên bờ đầm Thủy Triều – một đầm rộng đến 3km, chỗ hẹp nhất cũng đến 500 mét và có chiều dài đến 10km. Đây là nơi có nhiều loại thủy sản quí, trong đó có sò huyết là món ăn ngon nổi tiếng từ ngàn xưa.
2. Con người, phong tục, văn hóa và truyền thống yêu nước.
Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, trên vùng đất Cam Ranh, Cam Lâm nói chung, tổng Thủy Triều nói riêng dân cư sinh sống thưa thớt. Riêng ở vùng quanh đầm Thủy Triều ban đầu chỉ có một số chừng vài chục gia đình, chủ yếu là ngư dân từ các tỉnh thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…trở ra đã vào đây sinh sống và nghề chính ban đầu là khai thác, đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Đất lành chim đậu, dần dần bên vùng đất quanh đầm Thủy Triều và những vùng lân cận đã hình thành làng xóm. Cùng với quá trình lao động người dân ở đây đã tích lũy được vốn sống cần thiết trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhằm không ngừng mở mang kinh tế cho gia đình. Nghề đánh bắt thủy sản ở nơi đây là chính, ngoài ra nhân dân còn trồng các cây hoa màu, các loại cây ăn quả. Ruộng lúa cũng có nhưng không nhiều. Nghề chăn nuôi gia cầm, gia súc cũng phát triển, hầu như nhà nào cũng nuôi gia súc như heo, trâu, bò, dê, gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, v.v… Cũng từ đây số dân của vùng đất Thủy Triều tăng dần và nhiều gia đình đã chuyển đi sinh sống ở các các vùng lân cận như Bãi Giếng hoặc các khu vực thuộc thôn Tân Hải ngày nay. Sau năm 1955, nhiều gia đình từ các nơi trong nước thấy điều kiện làm ăn thuận lợi nên cũng đến lập nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Vĩnh. Đặc biệt, sau ngày miền Nam giải phóng, do điều kiện đi lại thuận lợi nên tiếp tục có nhiều gia đình ở các địa phương các tỉnh cũng tìm đến sinh sống, nhờ đó, dân số ở các thôn của Cam Hải Tây tăng lên.
Với tinh thần lao động cần cù, cuộc sống của người dân trên vùng đất Cam Hải Tây từng bước được cải thiện. Từ sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đời sống nhân dân Cam Hải Tây không ngừng được cải thiện, diện mạo quê hương cũng được đổi thay từng ngày và phát triển toàn diện.
Từ mấy trăm năm trước, khi hình thành vùng đất mới, cùng với tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau, những phong tục tập quán ở nơi cư trú cũ cũng được người dân mang đến đây rồi giữ gìn và duy trì và tạo ra nếp sống, sinh hoạt vui tươi, phong phú. Bên cạnh tục thờ cúng ông bà, cúng tiền hiền, hậu hiền-những người đi tiên phong trong việc mở đất, các lễ hội trong ngày Tết, các hoạt động ma chay, cưới xin, cúng thần sông thần núi ...đều được tổ chức long trọng.
Cho đến nay, trên vùng đất Cam Hải Tây không có những di tích văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, bà con trong xã vẫn thường hay lui tới để cúng bái lễ vật ở các Đình Thủy Triều cũng như tham gia tổ chức cúng bái và tổ chức lễ hội Cầu ngư tại các Lăng thờ ông Nam Hải ở Dốc Lò Bãi Dài và ở Cồn Miễu thuộc xã Cam Hải Đông (vì từ mấy trăm năm trước vùng đất Cam Hải Đông ngày nay chính là trung tâm của tổng Thủy Triều).
Đến năm 1956, khi vùng đất ở thôn Bắc Vĩnh ngày ấy còn rộng, dân cư ở các nơi chuyển đến sinh sống chủ yếu là bà con di dân 1954 vào để khai hoang và đã xây dựng Nhà thờ Bắc Vĩnh, sau đó nhà thờ đã phát triển thành Giáo xứ Bắc Vĩnh và trở thành nơi sinh hoạt của bà con theo đạo Thiên Chúa trong xã.
Vào năm 2007, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tôn giáo, một số bà con trong xã đã quyên góp tiền của để xây dựng Tịnh xá Ngọc Châu tại thôn Bãi Giếng 2 và từ đó đến nay nơi đây đã trở thành địa chỉ để bà con lui tới thờ cúng Phật.
Cũng như truyền thống chung của dân tộc Việt Nam, nhân dân Cam Hải Tây (trước đây sống ở vùng đất Thủy Triều và những vùng lân cận như Bãi Giếng) có truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tinh thần cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh chống áp bức và chiến đấu chống xâm lăng để giữ gìn và bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, người dân Cam Hải Tây đã một lòng theo Đảng để làm cách mạng.
Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều thế hệ người dân Thủy Triều (có Cam Hải Tây ngày nay) đã hy sinh máu, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (30-4-1975) đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, người dân Cam Hải Tây đã từng bước vươn lên, dành được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh.